Đến với vùng đất nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều này cảm giác đầu tiên bạn cảm nhận không phải sự nắng gắt mà là sự yêu thương, giàu tình người và tấm lòng mến khách của người dân Hà Tĩnh, khách đến chơi được người dân nơi đây đón tiếp bằng món đặc sản xứ Nghệ Tĩnh là kẹo cu đơ và một ấm chè xanh thơm ngát. Ăn miếng kẹo, thưởng thức ấm chè mới thấu hết cái nghĩa tình nơi đây.
Đặc sản thắm tình người Hà Tĩnh
Nhắc đến Hà Tĩnh thì mọi người nghĩ liền đến những điệu hò ví dặm, chén nước chè xanh và những miếng kẹo cu đơ mang đậm hương vị của miền gió Lào nắng gắt. Và khi mỗi ngày tết đến, xuân về, những người con xa quê lại đem theo mình món quà quê hương đến với bạn bè khắp cả nước và quốc tế. Kẹo cu đơ là món quà mang đậm chất tình của quê hương, là một phần không thể thiếu trong tâm hồn mỗi người con nơi này.
|
Quy trình sản xuất kẹo Cu Đơ đặc sản Hà Tĩnh |
Kẹo Cu Đơ là một loại kẹo đậu (đậu phộng) hay còn được gọi với tên khác là kẹo lạc, là đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh. Kẹo được làm từ mật mía, đường, mạch nha, gừng có thêm lạc nhân và được đổ vào hai miếng bánh tráng ép lại. Loại kẹo này rất dẻo và dính, có thể ăn không hoặc thưởng thức cùng với nước chè xanh.
Từ bao đời nay, nói đến món ngon đặc trưng nơi này không ai không nhắc đến
đặc sản kẹo cu đơ Hà Tĩnh. Không ít người đi qua mà không dừng lại, mua gói cu đơ về làm quà, hay chỉ là dừng để thưởng thức miếng
bánh cu đơ ngọt ngào vị mía, thơm bùi của lạc và cay cay của gừng. Ăn miếng bánh, uống bát nước chè xanh chát chát, hòa cùng vị ngọt. Thảo nào người dân Hà Tĩnh có câu hát:
Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh.
Nếu bạn đi xe buýt các bạn sẽ thấy kẹo cu đơ được bày bán rất nhiều dọc hai bên đường của quốc lộ 1A, cạnh các ga tàu của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, ở đây không phải kẹo cu đơ nào cũng ngon, cũng giòn dai đúng vị cu đơ truyền thống. Vì thế khi đến với Hà Tĩnh bạn nên tìm hiểu thật kỹ lò làm bánh cu đơ, để có thể đem về hoặc thưởng thức tại đây những miếng kẹo thơm ngon đúng chất nhất.
Cách làm kẹo cu đơ hà tĩnh
Quy trình sản xuất kẹo cu đơ với nguyên liệu chính là lạc và mật mía. Mật mía được làm rất kỹ, đúng loại mật mía với độ sánh thích hợp, mật mía được đưa vào chảo chuyên dùng để đun sôi chảy, trộn thêm một số phụ gia như gừng, vừng (mè), bột mạch nha để bánh được mềm hơn sau khi tráng. Sau đó dùng lạc (đậu phộng) được thêm vào chảo mật đang sôi, với nhiệt độ nhất định, lạc sẽ hóa giòn tan và rất thơm.
Đến lúc mọi thứ đã vừa độ, người làm kẹo sẽ dùng những miếng bánh đa nướng (bánh tráng) đổ hỗn hợp kẹo lên và ốp hai mẩu bánh tráng lại với nhau. Sau khi đã hoàn tất khâu chế biến cu đơ, người ta thường xếp chồng lên nhau khoảng 5 đến 10 cặp bánh gói vào lót dưới kẹo lạc mà mỗi lần ăn phải bóc bằng tay, vừa sạch sẽ, lại đỡ mất công bóc giấy mà ăn vẫn giòn, ngon, hợp khẩu vị. Vậy là xong công đoạn làm ra món kẹo đặc sản này.
Có một loại kẹo cu đơ khác được nấu non (mềm) hơn, múc vào bát con (đọi) và dùng thìa để xúc ăn gọi là "kẹo đọi", chủ yếu dùng tại nhà để mời khách hoặc bạn bè tới chơi, ít bán bởi vì loại kẹo này khó đóng gói và bảo quản được lâu.